Đánh giá tác động của chi phí lãi vay đến thuế thu nhập doanh nghiệp
Trong giai đoạn 2015-2018 phần lớn các hiệp định thương mại mà Việt Nam ký kết sẽ cắt giảm và xóa bỏ thuế quan, trong đó có nhiều hiệp định tỷ lệ cắt giảm, xóa bỏ thuế quan lên tới trên 90%. Điều này sẽ khiến tổng thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục giảm. Để đảm bảo cân đối nguồn thu, từng bước nâng cao tỷ trọng thuế TNDN trong tổng thu ngân sách, Tổng cục Thuế ban hành Quyết định số 225/QĐ-TCT ngày 4/2/2016 thành lập nhóm nghiên cứu triển khai đề án đánh giá tác động của chi phí lãi vay đến số thu thuế TNDN, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế.
Theo đánh giá của Tổng cục Thuế, tổng số thu từ thuế và phí hiện nay đến từ 3 nguồn chính gồm thuế gián thu (TTĐB, GTGT), thuế trực thu (TNDN, TNCN) và thuế xuất nhập khẩu. Trong bối cảnh thuế nhập khẩu giảm, việc ổn định thu NSNN sẽ chủ yếu dựa vào nguồn thu từ thuế gián thu và thuế trực thu. Nghiên cứu cơ cấu thu NSNN trên thế giới cho thấy, thuế trực thu ngày càng phát huy vai trò quan trọng trong hệ thống chính sách thuế của nhiều nước, bao gồm cả nước phát triển và nước đang phát triển. Mặc dù thuế suất thuế trực thu luôn có chiều hướng được điều chỉnh giảm và áp dụng nhiều chính sách ưu đãi, song tỷ lệ động viên từ thuế theo GDP lại có xu hướng tăng. Ở các nước phát triển, thuế trực thu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu NSNN. Ở Mỹ thuế trực thu chiếm 74,8%, Nhật Bản là 74%. Ở Việt Nam, tỷ trọng thuế TNDN trong tổng thu NSNN năm 2009 đạt 52.191 tỷ đồng, chiếm 19,3% trong tổng thu NSNN và bằng 3,15% GDP. Các số liệu tương ứng của năm 2010 là 82.297 tỷ đồng, 22,5% và 4,15% GDP; Năm 2011 là 96.600 tỷ đồng, 22,4%, 3,81% GDP; năm 2014 là 220.423 tỷ đồng, chiếm 26% tổng thu NSNN. Như vậy, nếu so với các nước, tỷ trọng thuế TNDN trong cơ cấu thu nội địa của Việt Nam còn thấp. Đây là dư địa để tăng tỷ trọng thuế TNDN trong cơ cấu thu nội địa, nhằm ổn định NSNN tương lai.
Đại diện Ban cải cách và hiện đại hóa Tổng cục Thuế cho biết, theo kinh nghiệm quốc tế, để nâng cao tỷ trọng thuế TNDN, trước hết cần cắt giảm thuế suất thuế TNDN; sử dụng các biện pháp ưu đãi thuế TNDN để thu hút, khuyến khích đầu tư, phát triển KTXH, đồng thời phải quản lý chặt chẽ các khoản chi được trừ khi tính thuế TNDN, đảm bảo phản ánh đúng chi phí, phục vụ cho hoạt động SXKD và hạn chế tình trạng các DN lách luật thông qua chi phí lãi vay để tránh thuế. Nhiều nước trên thế giới đã khống chế chi phí lãi vay trong xác định chi phí thuế TNDN đối với DN có tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu quá cao (vốn mỏng).
Ở Việt Nam, chính sách thuế TNDN đã được sửa đổi theo lộ trình giảm thuế suất, đơn giản hóa chính sách ưu đãi thuế, bổ sung các quy định để bao quát hoạt động kinh doanh mới phát sinh như bán hàng đa cấp, thương mại điện tử…Tuy nhiên, chính sách thuế của Việt Nam chưa bao quát và giám sát được hoạt động chuyển nghĩa vụ thuế từ công ty này sang công ty khác (công ty liên kết), hoặc từ công ty con sang công ty mẹ thông qua cơ cấu nguồn vốn SXKD dưới hình thức tăng tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu. Điều này đặc biệt trở nên nghiêm trọng khi các công ty liên kết, các công ty mẹ đóng ở nước ngoài, nhất là tại các “thiên đường thuế” dẫn đến hiện tượng các công ty tại Việt Nam triền miên khai báo lỗ, hoặc lãi không nhiều, khiến Việt Nam thất thu một khoản đáng kể.
Để hạn chế lỗ hổng thuế TNDN do yếu tố chi phí lãi vay, Tổng cục Thuế đã thành lập nhóm nghiên cứu nhằm triển khai đề án đánh giá tác động của chi phí lãi vay đến số thu thuế TNDN. Theo đó ngay trong năm 2016, cơ quan thuế sẽ tập trung nhân lực thành lập tổ thực hiện đề án xây dựng phương án, mẫu biểu để thu thập dữ liệu về vốn vay, vốn chủ sở hữu, chi phí lãi vay, chi phí được trừ khi xác định tính thuế TNDN theo từng lĩnh vực, loại hình kinh tế, ngành nghề, quy mô vốn. Trên cơ sở dữ liệu này, sau khi tổng hợp và phân tích, cơ quan thuế sẽ lập báo cáo đánh giá sơ bộ tác động của chi phí lãi vay đến số thu TNDN; tổ chức hội thảo báo cáo sơ bộ về kết quả nghiên cứu và tham vấn ý kiến các chuyên gia, từ đó đề xuất các giải pháp hữu hiệu để quản lý thuế, hạn chế thấp nhất tình trạng trốn thuế thông qua chi phí lãi vay.
Tapchithue